Các khuyến cáo lưu ý trước và sau khi tham gia tiêm chủng đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đưa ra và cũng thường được gởi kèm theo kênh thông tin cho người được tiêm. Tuy nhiên, các khuyến cáo ấy thường đề cập đến các vấn đề chuyên môn ngành y tế, không đề cập đến những bước chuẩn bị đời thường cần thiết cho đối tượng được tiêm.
Bài viết này, dựa trên kinh nghiệm của người đã được tiêm vaccine. Tôi hy vọng sẽ bổ sung thêm thông tin giúp cho việc tiêm chủng thuận lợi hơn cho cả người được tiêm lẫn đội ngũ y tế và ban tổ chức. Trước khi đi tiêm chủng, bạn cần chuẩn bị gì?
1. GIẤY TỜ TÙY THÂN BAO GỒM CMND & THẺ BẢO HIỂM Y TẾ
Yêu cầu mang theo giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước và thẻ Bảo hiểm y tế thường được thông tin trước cho người được tiêm. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều người quên. Nếu điều này xảy ra, người được tiêm buộc phải quay về nhà lấy khi được yêu cầu xuất trình các giấy tờ trên. Với những người tiêm theo danh sách cơ quan thuộc nhóm đối tượng ưu tiên, cũng có thể bước kiểm tra hai loại giấy tờ trên bị bỏ qua vì BTC đã thẩm định danh sách với đại diện cơ quan. Nhưng "cẩn tắc vô áy náy", người được tiêm vẫn nên mang theo để nhỡ được yêu cầu thì có mà cung cấp.
2. MANG THEO MỘT CÂY BÚT VÀ ĐIỆN THOẠI CÓ KẾT NỐI INTERNET
Mang theo cây bút cho riêng mình để điền thông tin vào các tờ khai là cần thiết. Người được tiêm chủ động việc nhỏ này để khỏi phải mượn, vừa gây phiền hà vừa bị tăng nguy cơ bị nhiễm từ người khác. Điện thoại kết nối internet là cần để có thể khai báo online và chụp lại kết quả khai báo để trình BTC trước khi vào khu vực tiêm. Nếu các tờ khai đã nhận qua email thì người được tiêm nên in sẵn và ghi ở nhà, bởi đứng ghi ở vị trí xếp hàng mà không có điểm tựa sẽ rất khó khăn. Khi điền thông tin tờ khai bệnh thì chỉ ghi thông tin cá nhân thôi, đừng khai báo bệnh trước vì đây là phần của bác sĩ. Nếu ai lỡ khai trước thì phải kê khai lại mới được nộp hồ sơ ở vòng 1.
3. MANG THEO MỘT CHAI NƯỚC SUỐI
Sau khi nộp hồ sơ thì sẽ đến lượt đo nhiệt độ. Với nhiều người, sau thời gian đi đường xa, cơ thể dễ bị nóng hơn so với bình thường. Mặt khác, môi trường ở địa điểm cũng có thể gây nóng, khiến nhiệt độ cơ thể có thể cao hơn ngưỡng được tiêm. Nếu người nào có nhiệt độ cơ thể cao hơn mức chuẩn thì sẽ phải ra ngoài đi lại để hạ nhiệt về mức chuẩn thì mới được vào vòng tiếp. Thực tế có khá nhiều người bị nóng hơn ngưỡng khi đo lần đầu, và thế là phải tốn thời gian chờ đợt cho bản thân và cả thời gian của BTC nữa. Do vậy, mang theo chai nước để uống, rửa mặt nhằm hạ nhiệt sẽ giảm nguy cơ phải chờ đợi thêm ở khâu này.
4. CHUẨN BỊ TÂM LÝ BÌNH TĨNH TRƯỚC KHI ĐO HUYẾT ÁP VÀ NHỊP TIM
Sau vòng đo nhiệt độ, người được tiêm sẽ được chuyển hồ sơ và sẽ phải xếp hàng chờ để đo nhịp tim và huyết áp. Đây là khâu sàng lọc mà nhiều người sẽ phải chờ lâu mới được vào vòng trong. Có người kiểm tra 3-4 lần sau khi ra nơi thoáng mát nghỉ ngơi mới đạt. Thậm chí, nhiều người phải đi về khi mãi không đủ tiêu chuẩn ở khâu này. Do vậy, những ai mà có tiền sử về huyết áp hay nhịp tim nhanh thì nên tìm giải pháp để hạ trước khi đi tiêm. Cần lưu ý là uống cà phê cũng là nguyên nhân mà nhiều người bị vướng chỉ tiêu nhịp tim nhanh. Đừng uống cà phê hay chất kích thích tăng nhịp tim khác trước lịch tiêm.
5. TÂM LÝ SẴN SÀNG TIÊM VÀ CHỜ LẤY KẾT QUẢ
Sau vòng đo huyết áp và nhịp tim thì đến vòng gặp bác sỹ kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ sẽ hỏi và xác minh các thông tin được khai về tiền sử bệnh, dị ứng.... Ngoài ra, bác sĩ cũng làm một vài bài kiểm tra nho nhỏ như nghe nhịp thở, nghe tim, phổi... Một khi có tâm lý sẵn sàng tiêm thì cơ thể người được tiêm sẽ không có thay đổi bất thường khi bác sĩ khám. Nếu người được tiêm qua các vòng khác và có tâm lý tốt trước vòng này thì thường được bác sĩ duyệt nếu những gì khai báo đủ tiêu chuẩn tiêm như khuyến cáo. Và thế là được tiêm. Tiêm xong thì nên ở lại thêm 30 phút như khuyến cáo để vừa kiểm tra liệu có gì bất ổn không, vừa để nhận giấy xác nhận đã tiêm. Nếu quên điều này và bỏ về ngay sau khi tiêm xong thì sẽ gây phiền cho BTC vì họ phải gọi đi gọi lại nhiều lần và cũng sẽ phiền phức về quản lý hồ sơ sau đó.
BTC và các bác sĩ đã làm việc cực nhọc với áp lực lớn, chỉ nghỉ chừng 30 phút ăn trưa thôi, mà vẫn tiếp tục làm việc. Do vậy, việc chờ đợi thêm chừng 30 phút để lấy kết quả cho bản thân và giúp mọi chuyện tốt đẹp không làm yêu cầu quá đáng với người được tiêm.
6. KIẾN THỨC CƠ BẢN TRƯỚC KHI TIÊM
Việc đọc trước những khuyến cáo và lưu ý trước khi đi tiêm là quan trọng. Nó hữu ích cho người được tiêm đỡ lo, bớt hoang mang... dễ vượt qua các vòng kiểm tra sàng lọc. Mặt khác, người được tiêm có kiến thức cơ bản sẽ giúp giảm thiểu những câu hỏi mang tính phổ quát không quan trọng, nhờ thế giảm áp lực cho bác sỹ và giúp năng suất tiêm được cao hơn.
7. TÂM LÝ SẴN SÀNG VÀ KHẢ NĂNG ỨNG PHÓ VỚI CÁC TÁC DỤNG PHỤ CỦA VACCINE
Với nhiều người lớn đã lâu không được tiêm, bên cạnh nỗi lo trước khi tiêm, sự hoang mang lo lắng khi gặp triệu chứng bất thường sau khi tiêm là không tránh khỏi, đặc biệt với người chưa tìm đọc những kiến thức cơ bản. Việc hoang mang vừa khổ cho bản thân, vừa gây lo lắng cho người thân, vừa có thể gây phiền cho bác sĩ hay những người tư vấn khi "đau chổ tiêm tí là hỏi, nhức đầu xíu là hỏi, sốt nhẹ là hỏi... ". Do vậy, việc nắm kiến thức cơ bản và tự xử lý khi chỉ chịu những tác dụng phụ nhẹ (không có triệu chứng bất thường quá nghiêm trọng) là quan trọng. Thời gian đề bác sỹ làm nhiều việc chống phòng dịch khác hữu ích hơn là trả lời các câu hỏi từ sự hoang mang không quá cần thiết của người được tiêm.
Đang lúc dịch bệnh ngày càng lan rộng, đội ngũ cán bộ y tế phải chia nhau ở rất nhiều mặt trận như: tiêm ngừa, xét nghiệm, điều trị... Công việc của họ rất vất vả và phải hy sinh rất nhiều. Do vậy, sự hợp tác của mọi người dân, trong việc chuẩn bị trước khi tiêm, trong khi tiêm và biết tự xử lý sau khi tiêm (ngoại trừ những trường hợp bị phản ứng quá nặng) là cần thiết. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi công dân. Khi có cơ hội, các bạn hãy chuẩn bị tốt trước khi đi tiêm. Chúc các bạn bình an trước đại dịch Covid-19.
#vtythoangbaonguyen #vattuyte #covid #virus #corona #vaccine #vaccinecovid19